Vừa mua lại một căn nhà phố riêng lẻ tại quận 10 có giá 9 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2020, ông Quốc Tuấn chủ nhân mới của căn nhà cho hay, dù không có nhu cầu mua ở nhưng do trúng đậm chứng khoán nên ông quyết định dùng nguồn tiền này để mua nhà vừa với mục đích để dành và đầu tư bán lại khi được giá. “Thay vì gửi ngân hàng hay tiếp tục để trong chứng khoán, tôi cảm thấy cầm tiền đi mua nhà đất vẫn an tâm hơn. Thấy nhiều dự báo cho rằng đầu năm chứng khoán sẽ giảm nên tôi không tiếp tục liều lĩnh với thị trường này, gửi ngân hàng thì không khả thi, chỉ có mua đất là không lo tiền mất giá hay thua lỗ vì BĐS sẽ tăng theo thời gian, nhất là nhà lẻ, nhà phố nội thành”, ông Tuấn cho hay.
Thị trường mua bán nhà phố và đất nền đang khá nhộn nhịp thời điểm đầu năm 2021. Tuy không tạo nóng sốt nhưng lượng khách hàng đổ về tìm mua loại hình sản phẩm này đang tăng trở lại, không ít trong số đó là những nhà đầu tư thắng lớn từ chứng khoán muốn bảo toàn dòng tiền bằng cách mua đất để dành. Chị Ngọc Oánh, một nhà đầu tư BĐS lâu năm vừa thành công lướt chứng khoán cho biết, thời điểm đầu tháng 1/2021 chị đã rút phần lớn số tiền kiếm được từ thị trường chứng khoán ra để mua đất tại khu vực quận 9.
“Chơi chứng khoán không chuyên nhưng tôi cũng hiểu sự biến động của thị trường này, để an toàn tôi không tiếp tục liều lĩnh với toàn bộ số tiền kiếm được mà chỉ để lại một phần, còn lại thì rút ra tìm kiếm kênh đầu tư khác ổn định hơn. BĐS là lựa chọn số 1 trong thời điểm này, không chỉ vì đây là thị trường đã quen thuộc mà với BĐS, nhu cầu luôn cao, nhất là với nhà phố, đất nền. Đổ tiền vào đất vừa an toàn lại không sợ tiền mất giá”, chị Oánh chia sẻ.
Nhiều nhà đầu tư trúng đậm nhờ chứng khoán chọn cách dịch chuyển dòng tiền qua kênh BĐS để bảo toàn nguồn tài chính và kỳ vọng sinh lời từ thị trường này.
Ảnh minh họa
Thị trường BĐS được nhận định là hưởng nhiều lợi thế từ dòng vốn chứng khoán khi nhiều nhà đầu tư trúng đậm từ chứng khoán đang có xu hướng chuyển dịch một phần tiền qua nhà đất để bảo toàn lợi nhuận.
Anh Trần Triệu Phong, một người đã có nhiều năm đầu tư cả trên thị trường chứng khoán và nhà đất cho rằng, với chứng khoán, đây luôn là kênh đầu tư kiếm tiền nhanh nhưng lại không ít rủi ro. Biến động chứng khoán lớn, nếu cứ "ôm" mãi một cổ phiếu thì tỷ lệ rủi ro không nhỏ. Chốt lời đúng thời điểm và chuyển hóa dòng tiền hợp lý là cách mà dân đầu tư ưa chuộng nhất. Không ít nhà đầu tư F0 kiếm được lời từ chứng khoán đã rút lui thành công và dịch chuyển dòng tiền này vào các kênh đầu tư khác, BĐS là lựa chọn hàng đầu khi mà kênh ngân hàng kém hấp dẫn, vàng có xu hướng biến động khó dự đoán, nhất là với bất động sản có thể tạo ra dòng tiền ngay hoặc ít nhất là không lo lắng nhiều về việc giảm giá.
Theo chia sẻ từ lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM, hiện nay nhu cầu mua nhà đất không ồ ạt như những năm trước nhưng vẫn diễn ra âm thầm và có xu hướng tích cực lên trong các tháng cuối năm 2020 đến đầu 2021. Vị này cũng cho biết có khoảng 20% nguồn tiền từ chứng khoán đã dịch chuyển qua bất động sản.
Bàn về câu hỏi liệu có lợi thế nào cho bất động sản trong cuộc đua với chứng khoán, bà Trang Bùi, Giám đốc Bộ phận thị trường Việt Nam của JLL cho rằng, nguyên tắc từ trước đến nay khi thị trường chứng khoán tăng mạnh một thời gian dài, nhiều nhà đầu tư có lãi sẽ chốt lời một phần và chuyển sang mua nhà đất. Bởi dù sao thì BĐS vẫn là kênh đầu tư an toàn hơn. Ngoài ra, năm 2021 nguồn cung nhà ở có thể vẫn còn hạn chế nên giá khó giảm. So với chứng khoán, BĐS có ưu thế về sự ổn định, khả năng lướt sóng “kiếm tiền nhanh” vào thời điểm này là rất khó nhưng đây lại là kênh đầu tư dài hạn mang về lợi nhuận ổn định và luôn cao. Vậy nên với nhiều nhà đầu tư đang có tài chính dư dả, mua BĐS là lựa chọn hấp dẫn nhất lúc này.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cũng đưa ra nhìn nhận về lợi thế của BĐS trong cuộc đua với chứng khoán. Theo đó, trong năm 2021, làn sóng ồ ạt đổ vào chứng khoán sẽ giảm do các hoạt động giãn nợ vay vốn ngân hàng trong năm 2020 sẽ bắt đầu ảnh hưởng sau một năm. Trong cuộc đua BĐS và chứng khoán, chứng khoán đã thắng cuối năm 2020 nhưng sau tháng 1/2021, chứng khoán đã xuất hiện xu hướng giảm và BĐS sẽ tăng nhanh vì dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường này.
Bàn về xu hướng phát triển của thị trường BĐS trong năm 2021, ông Hưởng nhận định, với tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh của Việt Nam, thị trường BĐS đang ngày càng nhiều nhu cầu về nhà ở, nhất là tại các đô thị lớn. Người tăng nhưng đất không tăng nên BĐS sẽ vẫn tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều người.
Phương Uyên